Sách là một phần không thể thiếu được của cuộc sống. Công nghệ hiện đại ngày nay đã mang đến cho con người nhiều cách thức để đọc sách hơn, từ Kindle, Nook cho đến iPad. Tuy nhiên, tớ tin chắc rằng những cuốn sách "thật", thơm mùi giấy, có bìa bóng bẩy đẹp đẽ vẫn là những quyển sách thường thấy nhất. Chẳng biết có phải tớ là tuýp người truyền thống hay không chứ tớ vẫn thích sách giấy hơn. Tớ thích sách được tặng, có lời đề tặng ở những trang đầu. Tớ thích sách đọc đi đọc lại nhiều lần rồi, mỗi lần giở lại có thể giở ngay ra được trang có những đoạn mà mình đặc biệt thích. Tớ thích cả những chiếc bookmarks (kẹp sách) xinh xinh, luôn có những câu trích dẫn đáng yêu nhất, như một lời động viên mỗi khi ngồi đọc sách.
Trong Thiên chúa giáo, có một câu nói rất nổi tiếng "Show me your friends, I'll tell who you are". Tớ tạm xuyên tạc câu này ra thành, hãy cho tôi xem sách của bạn và tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai... Sở dĩ như thế vì đối với tớ sách như những người bạn im lặng. Sách không thể nói nhưng lại có thể dạy bạn rất nhiều điều. Sách mang đến những điều thần kì ít ai có thể ngờ tới nhất. Cách đây hơn 140 năm sách đã viết về những chiếc tàu ngầm (Hai vạn dặm dưới đáy biển, Jules Verne), và đến những năm đầu thế kỉ 20, tàu ngầm đã trở thành những biểu tượng quân sự phổ biến.
Yêu sách rồi, chắc bạn cũng muốn làm sao để giữ sách được đẹp nhất, lâu nhất. Ngày còn đi học, cô giáo vẫn thường yêu cầu học sinh phải bọc sách vở cẩn thận. Hồi đó, tớ thường bọc sách vở 2 lớp, lớp đầu tiên giấy màu, rồi lớp thứ 2 là plastic (không biết diễn tả thế nào). Đến bây giờ nếu có dịp tớ vẫn bọc sách bằng lớp plastic đó. Nếu mọi người đã từng đến thư viện L'espace của Trung tâm văn hóa Pháp, Tràng Tiền, mọi người sẽ thấy được lớp plastic đó đã giúp ích như thế nào với sách ở thư viện, nơi có hàng ngàn người mượn và người đọc mỗi ngày. Nhược điểm của phương pháp này là giấy bọc thì chỉ có ít size mà sách thì có rất nhiều kích cỡ phong phú. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể mua về, tự cắt theo ý mình, và vẫn có size theo mình mong muốn (tớ sẽ chụp ảnh minh họa sau). Sách bây giờ thì bìa đã thường bóng rồi, tuy nhiên nếu có thêm lớp plastic này thì sách sẽ đẹp và giữ được lâu hơn. Ngoài ra các nhà xuất bản ở Việt Nam hiện nay cũng bắt đầu sản xuất những quyển sách có bìa dày (hardcover), với những sách này tớ nghĩ vẫn phải có lớp plastic (nếu có thể).
Dưới đây là một số cách giúp các bạn phân loại sách khi sắp lên giá sách.
1. Theo bảng chữ cái: Đây có lẽ là phương pháp phổ biến và đáng tin cậy nhất. Bạn có thể chọn tên tác giả để phân loại (ví dụ như: Dan Brown, J. K. Rowling, Nguyễn Nhật Ánh) hoặc tựa sách (e.g. Da Vinci Code, Harry Potter I, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh).
2. Theo thể loại: Nếu bạn có nhiều sách đủ để phân chúng thành những thể loại khác nhau thì phương pháp này có lẽ phù hợp nhất. Bản thân tớ cũng dùng phương pháp này. Và các thể loại tớ có trong giá sách của mình là Fiction (tiểu thuyết), Mystery & Thrillers (Trinh thám), Reference (Tra cứu), Non-fiction gồm History (Lịch sử), Geography (Địa lý), Science (Khoa học), & Biographies & Memoirs (Hồi kí), Art & Design (sách nghệ thuật, ca nhạc, nấu ăn & thiết kế), Magazines (tạp chí chuyên ngành) và Others (dành cho các loại sách khó có thể phân vào những loại trên). Một cách đơn giản hơn là bạn có thể phân loại sách theo kiểu fiction, non-fiction & others.
3. Theo thứ tự thời gian: Cách này hơi phức tạp hơn chút, đó là bạn phân loại sách theo từng thời kì sách được xuất bản. Ví dụ như Cổ đại, Trung đại, Cận đại, Hiện đại etc. Tuy nhiên cách này không phù hợp với những bạn chủ yếu đọc sách hiện đại (sách được xuất bản tứ cuối TK 20 - đến nay) như tớ chẳng hạn. Cách này phù hợp với những bạn học chuyên về Văn hay Sử, khi hay phải đọc sách từ những thế kỉ trước.
4. Theo màu sắc: Sách được phân loại theo màu của bìa sách. Ví dụ theo 7 màu của cầu vồng chẳng hạn. Cách này phù hợp với việc trang trí nhà cửa hơn là phục vụ cho việc tìm sách dễ nhất. Tuy nhiên đôi khi cũng rất thú vị để phân loại sách theo cách này, ví dụ như một quyển có bìa đen, rồi một quyển có bìa trằng :)) tạo thành một dải những viền đen trắng khác nhau trên giá sách. Ngoài ra bạn có thể bọc sách theo những màu mình thích. Ví dụ như bạn có một list tập hợp những quyển mình thích nhất, bạn có thể tự làm một cái colored lable và dán vào gáy sách, từ đây bạn có thể tìm lại được chúng dễ dàng hơn. Tớ đã áp dụng cách này với những quyển textbooks mà ngày xưa chuyên phải đi photocopy, trên gáy sách không có chữ nào nên tớ ra hàng mua những cái label màu trắng dán được 1 mặt, về nhà cho vào máy in, và thế là có được một cái lable để dán vào sách, trông rất pro lại dễ tìm khi cần gấp hí hí.
5. Theo sở thích cá nhân: Bạn cũng có thể phân sách theo sở thích của mình, ví dụ như "5 sao" dành cho những quyển sách rất hay, và bạn muốn đọc lại trong tương lai, sách "4 sao" là những quyển đọc được, có thể giới thiệu cho bạn bè, gia đình etc. sách "3 sao": bình thường etc...
6. Những cách khác: Ngoài những cách trên thì còn rất rất nhiều cách phân loại sách khác, ví dụ như:
- Theo trình tự đọc/mua, không cần biết sách theo thể loại gì, thứ tự như thế nào, bạn có thể xếp theo kiểu ngẫu hững là cứ khi nào mua về/đọc xong thì xếp lên giá. Cách này có lẽ hơi ngổn ngang nhưng phù hợp với bạn thích mọi thứ theo trật tự của riêng mình :D
- Combo: đây là phương pháp kết hợp, ví dụ bạn có thể kết hợp phương pháp (2) và (1) ở trên, tức là sau khi phân loại theo thể loại rồi bạn lại tiếp tục phân loại theo bảng chữ cái. Hoặc (2) và (4), hoặc (5) và (1)... whatever ^^
- Theo chồng: cách này chúng ta sẽ không xếp sách theo chiều dọc dựng lên giá sách mà xếp chúng chồng lên nhau, chủ yếu cho mục đích trang trí nhiều hơn. Cách này vì thế mà đòi hỏi phải gu thẩm mĩ nhiều hơn để có thể xếp một chồng sách đẹp và bắt mắt.
- Theo kích thước: với cách này bạn sẽ xếp sách tùy theo kích thước như sách to nặng >>> sách bình thường >>> sách nhỏ
Chú ý khi xếp sách lên giá:
- Đặt sách/thể loại sách mình thích nhất ở tầm ngang so với mắt mình.
- Mỗi khoang sách chừa khoảng 10% chỗ trống
- Thi thoảng dọn dẹp lại giá sách xem những quyển nào chưa đọc đến/không dùng nữa để lên danh sách đọc nốt, hoặc đem đi quyên góp, từ thiện
Ngoài ra nếu có thời gian hãy tự làm cho mình một cái list có tổng hợp những sách mình có cùng với tên tác giá, nhà xuất bản, tháng năm xuất bản, số IBSN (nếu có).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét