Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Bọn trẻ bây giờ

(Trích Ở ngưỡng cửa cuộc đời - Lý Lan. Bài này rất đúng với suy nghĩ của tôi nên tôi type ra đây để nhắc nhở bản thân!)

Khi người ta già, như tôi chẳng hạn, thì nói về những người trẻ như thế nào cũng dễ bị hố. Nói tốt thì bị coi là nịnh nọt, theo đuôi giới trẻ, nói xấu thì bị coi là lạc hậu, khắt khe. Nói như thể mình còn trẻ thì chướng, mà lên giọng người lớn thì rõ là dạy đời, ai chịu cho thấu? Mà đâu phải tôi mới phát hiện ra cái ngặt này, thiên hạ biết từ hồi nảo hồi nào!

Hồi triết gia Socrates lên lão, cỡ 60 tuổi, ông có phàn nàn về bọn trẻ thời ổng, tức là những người cỡ hai mươi tuổi ở thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên của nước Hy Lạp, rằng chúng "ngỗ nghịch với cha mẹ, bép xép trước đám đông, ăn uống ngồm ngoàm, hỗn xược với thầy giáo." (Tội nghiệp, cũng giống như Khổng tử - người đặt nền tảng cho triết học phương Đông, Socrates - trụ cột của triết học phương Tây sinh thời làm nghề dạy học.) Mấy ngàn năm sau, một đồng nghiệp của hai ông thầy đã được xếp vào loại thánh hiền ấy, một giáo sư của trường Davidson, vào năm 1855, đã than thở về bọn sinh viên của ngôi trường hiện nay được xếp hàng thứ 8 trong top 100 trường đại học khai phóng ở Mỹ như vầy: (tôi trích dịch theo báo The Chronicle of Higher Education): "được nuông chìu, hư hỏng, không khuôn phép gia giáo... đầu óc buông tuồng, tâm tính man rợ, mà cứ dương dương ngạo nghễ về giá trị cá nhân, và khinh thường chống báng pháp quyền."

Nghe cứ như mấy đồng nghiệp của tôi nhận định về học trò của họ ở Việt Nam hiện nay. Trong vòng hai thập nhiên qua, thành phần trung lưu đông dần trong dân số Việt Nam, mà những người bắt đầu có của ăn của để thường ở tuổi 40-50, thuộc lớp người ra đời rồi lớn lên trong chiến tranh và bất ổn xã hội; con cái của họ có năm sinh vào khoảng cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa và phát triển. Họ có trung bình một hai đứa con, và họ muốn thông qua đứa con thực hiện những khát vọng tuổi trẻ mà bản thân họ không đạt được. Cô cháu gái của tôi hồi còn bé có cả một tủ áo lộng lẫy mà mẹ nó cứ mỗi lần trúng mánh lại vô mấy cửa hàng thời trang mới mở ở trung tâm thành phố mua sắm cho thỏa thích. Anh bạn tôi thì bằng mọi cách cho đứa con đi du học để thực hiện giấc mộng ra nước ngoài mà hồi xưa anh vượt biên thất bại. "Bọn trẻ" đành rằng được hưởng vật chất phong phú hơn, nhưng cũng chịu những sức ép tinh thần. Khi còn ở giai đoạn 10 năm đầu đời, đứa nào dường như cũng có biểu hiện của thần đồng, chí ít thì cũng khôn hơn giỏi chúng tôi hồi xưa theo nhận định của ba má chúng. Đến giai đoạn 10 năm thứ hai, bọn trẻ bắt đầu... chướng. Nhưng nếu thầy cô bảo chúng bị nuông chìu hư hỏng thì cha mẹ chúng bảo nhà trường không đáp ứng được nhu cầu phát triển của bọn trẻ.

Khi thế giới tiến qua năm 2000, những người chào đời vào hai thập niên cuối của thiên niên kỷ cũ trở thành thế hệ trẻ đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Trong niềm hân hoan và lạc quan, nhiều người đã đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ này, thế hệ đầu tiên của nhân loại phát triển trong sự bùng nổ khoa học kỹ thuật, đặc biệt kỹ thuật máy tính, dự đoán chúng sẽ tạo được những thay đổi lớn lao cho thế giới. Thiên niên kỷ mới cũng bắt đầu với một tầng lớp trung lưu đông đảo ở nhiều xã hội tiêu thụ trên thế giới. Và internet cùng trận cuồng phong toàn cầu hóa đã khiến bọn trẻ này có thói quen, tiêu chuẩn, tầm nhìn... toàn cầu hơn bao giờ hết. Dĩ nhiên đây là bọn trẻ con cái nhà trung lưu trở lên, có điều kiện hưởng thụ thành tựu của xã hội hiện đại. Bọn này được o bế nịnh nọt dữ lắm: nào là thế hệ sáng tạo, xuất chúng, độc đáo, phi thường. Hầu như người nào cũng là cả một tế giới đặc biệt. Tự tin. Tự hào. Tự sướng. Kỹ thuật. Cạnh tranh. Thành đạt.

Giữa "bọn trẻ" với tôi (và cha mẹ tụi nó) hiển nhiên là có khoảng cách thế hệ. Những năm còn đi dạy, tôi tiếp xúc hàng ngày và quanh năm với những người từ đôi tám đến đôi mươi, khoảng cách ấy mơ hồ. Năm nào "bọn trẻ" đi qua lớp tôi cũng có đứa giỏi, đứa lèng èng, đứa dở và đứa "cá biệt", tánh khí thói quen thì mỗi người mỗi kiểu. Tôi luôn thấy trong mỗi lứa học trò những niềm hi vọng lẫn nỗi thất vọng, luôn ngạc nhiên về bọn trẻ mà không hề thấy lạ. Tôi nghĩ mình gần gũi và hiểu chúng, thường phải làm cố vấn cho đám bạn đồng thời là phụ huynh học sinh của mình. Bẵng đi mười mấy năm nghỉ dạy, và xa quê, tôi đương nhiên hiểu là khoảng cách giữa tôi và những người đang lớn lên trong nước ngày một xa. Hôm qua tâm sự qua Skype với ngời bạn đang lo lắng cho đứa con gái du học gần chỗ tôi ở, bạn năn nỉ tôi thỉnh thoảng gọi điện thăm chừng con gái dùm. Bữa nay tôi gọi, cháu tôi nói" "Con biết dì sẽ nói gì rồi, và con biết những điều dì nói là đúng với mọi người. Nhưng dì ơi, con không giống mọi người, dì có hiểu không?"


***

Cô Lý Lan sinh năm 1957, như vậy đáng tuổi bố mẹ tôi. Cô là người đã dịch tác phẩm Harry Potter, là người thổi những luồng gió mới vào cuộc sống của những bạn trẻ "sinh cuối thập niên 80 đầu 90 thế kỷ trước" như tôi (và cả những bạn trẻ bây giờ nữa).

Qua bài viết này, tôi thấy chúng ta, những người lớn rồi cần phải có thái độ sống đúng đắn và tích cực hơn đối với lớp trẻ, đừng lúc nào cũng chê bai, phán xét và tỏ rõ sự thất vọng, nghi ngờ. Tôi cũng (đã từng) trẻ, cũng đã từng bị những anh/chị 7x, đầu 8x nói "bọn trẻ bây giờ...". Rồi tôi quên mất có  một ngày tôi lại là những người thốt ra câu nói "bọn trẻ bây giờ...".

1. Hãy hiểu và thông cảm giới trẻ:
Bố tôi vẫn thường hỏi tôi, cái thứ nhạc tôi nghe bây giờ có ý nghĩa gì không? Tôi biết ngày xưa bố mẹ hay nghe nhạc đỏ, nhạc Cách mạng. Đúng là những bài hát đó rất hay và sẽ luôn đi cùng năm tháng. Nhưng chẳng phải ca nhạc, hay văn thơ rốt cuộc cũng chỉ để phục vụ con người. Thời chiến tranh, ca nhạc là tiếng nói cổ vũ tinh thần, hay công cụ ghi lại lịch sử. Còn thời chúng tôi, ca nhạc để làm gì? Đơn giản thôi, để giải trí. Phục vụ đúng nhu cầu giải trí của thời đại là ca nhạc đã làm đúng sứ mệnh của  mình rồi. Cũng như việc giới trẻ sinh ra vào thời đại này, xã hội này, trong văn hóa này thì chúng tôi không thể sống với những mục đích và sứ mệnh ở thời kì khác được.

Có ai đó đã hỏi "Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế?" Tôi tin chính thời thế mới có thể tạo ra anh hùng. Anh hùng mà không có đất dụng võ thì sao làm anh hùng được. Vì thế nên nếu thời nay một ai đó giỏi tiếng Nga chưa chắc đã được trọng bằng một người lưu loát tiếng Anh.

2. Hãy tin tưởng giới trẻ:
Khi tin tưởng thì bạn sẽ sống bao dung và tích cực hơn.
Nếu bạn tin vào lớp trẻ, gặp một hành động tiêu cực, bạn sẽ khuyên bảo họ, sẽ sửa sai cho họ. Thái độ tích cực đó của bạn không biết có giúp gì có bạn trẻ đó không, nhưng chắc chắn sẽ làm cho bạn trẻ đó phải suy nghĩ.
Nếu bạn thiếu niềm tin, tất cả những gì bạn làm sẽ chỉ là lên án - phê phán - và thậm chí là bất hợp tác, tức là coi như lớp trẻ đó không tồn tại, "có nói cũng vô ích". Vô hình chung tất cả sẽ chỉ để lại hậu quả tiêu cực.
Nói đến đây có thể nhiều người sẽ cho rằng giới trẻ thiếu sự tôn trọng đối với những người già như chúng ta - những người của thế hệ trước. Có thể, trong trường hợp qui tắc vàng (The Golden Rule) bị vi phạm.
  1. One should treat others as one would like others to treat oneself (positive form)
  2. One should not treat others in ways that one would not like to be treated (negative/prohibitive form, also called the Silver Rule)
 3. Đừng chê bai, phán xét:
Nhạc sĩ Quốc Trung đã từng phát biểu một câu trong chương trình Việt Nam Idol mà tôi rất thích đó là "Khi bạn phán xét người khác là bạn đang vẽ nên chính bức chân dung tự họa của bạn!" Tôi cũng đặc biệt thấy câu tục ngữ "Cười người hôm trước hôm sau người cười" chính xác ^^

4. Đừng vơ đũa cả nắm:
Việt Nam là một nước có văn hóa đám đông nổi trội. Có lẽ vì thứ văn hóa man rợ này nên chúng ta rất hay có kiểu nói đến số nhiều thay vì số ít. Giới trẻ bây giờ các em ý sống chủ yếu theo chủ nghĩa cá nhân nên nếu vơ cả đám "bọn trẻ bây giờ..." thì thật là thiếu chính xác. Trong bài viết của cô Lý Lan, cô cũng nói năm nào cô dạy học cũng có người này người kia. Vì thế nên cho dù bạn có thấy "một bộ phận giới trẻ" có văn hóa suy đồi, hay bệnh hoạn thì xin hãy giữ đúng nghĩa (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) của từ một bộ phận chứ đừng viết hay nói thành "bọn trẻ"...

Tôi vẫn là một người trẻ. Mới 2 mấy cái xuân xanh trôi qua vai thôi. Thi thoảng các cụ nhà tôi vẫn nói đùa "Bằng tuổi này thì ngày xưa là 1 chồng 2 con rồi!". Tôi biết bố mẹ lại trêu đùa cho vui vẻ, chứ không có ý so sánh hay chê bai gì cả. Hi vọng các bạn trẻ bây giờ cũng hiểu được điều đó. Và cả những người "trẻ mà già" như tôi hay bất kì ai hay nói câu "bọn trẻ bây giờ"... hãy nói câu đó theo một ý nghĩa tích cực hơn.

Ốm đau dặt dẹo



Chán quá. Ốm đau đúng lúc gay cấn :(( Sốt phát ban và cả cái gì nữa không rõ. Chỉ biết là người nổi mẩn ngứa không ngủ hay làm gì được. Tay và chân thì như kiểu bị viêm khớp giống bà nội T__T sưng hết lên và không nắm chặt tay được. Chân như bị sái í, đi lại trong nhà thôi còn đau phát khóc. Mắt thì sưng húp như kiểu vừa khóc mấy ngày mấy đêm. Hạch nổi sau tai và gáy, hôm nay cái răng khôn cũng biểu tình theo, làm ăn cơm mà nuốt không trôi T__T Cả người ê ẩm, hít thở sâu một tí thôi là rã rời. Huhu. Tại sao ốm đúng thời điểm thế chứ. Còn có 21 ngày thôi.

Vì thế nên vẫn phải cố gắng mỗi bữa ăn 2 bát cơm đầy. Chăm chỉ uống thuốc + vận động nhẹ nhàng... Hôm nay và ngày mai sẽ xong round 2 review. Kế hoạch cuối tuần này làm mock đã đi tong. Nhưng thôi kô sao, chậm mà chắc vậy ^^

Cuộc sống luôn là những bất ngờ. Haiz. Đi kèm luôn là những bài học đắt giá. Nghe nhạc cho đỡ buồn dzậy. Đang đọc Kẻ trộm sách. Hay đến mức khó đặt xuống... mà toàn phải dứt khỏi cơn nghiện để đi ngủ :D Ước gì thi xong rồi nhỉ, tha hồ mà ngồi đọc truyện :)) Lúc đó tỉ phú thời gian, sướng thiệt. Phải cố gắng chiến đấu cho xong rồi tha hồ mà chơi mới đc =)