Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Văn hóa sợ hãi

Mới đọc được cái link này trên dantri.com, trích nguyên văn:

"Nhưng cũng như nhiều người cùng thế hệ, cậu ta vẫn là người phi chính trị, do thiếu niềm hi vọng rằng mọi thứ trong một xã hội đã chìm trong văn hóa sợ hãi nhiều thập niên qua có thể thay đổi."

Văn hóa sợ hãi - cụm từ mới hay làm sao!

Mới đây giáo sư Ngô Bảo Châu có viết một bài "Về sự sợ hãi", quote luôn ra đây:

      Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.
      Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.
     Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này.
     Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn.
     Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.

Nhưng ngay sau bài viết này thì giáo sư cũng đóng luôn blog >"<

Như vậy để thấy sự sợ hãi tồn tại khắp mọi nơi, từ những người đã sống ở Việt Nam từ khi sinh ra cho đến những người đã ra nước ngoài vài chục năm như giáo sư Châu.

Nói về sự sợ hãi, một trong những chuyên gia về personal development mà tôi rất thích là Steve Pavlina. Ông có viết bài mở đầu trong việc phát triển tiềm năng bản thân đó là việc vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình và sống có ý thức hơn.

Điều này tôi thấy đặc biệt đúng với bản thân mình. Nhiều khi tôi chần chừ lần lữa làm việc này việc nọ là do tôi sợ, sợ tốn thời gian, sợ đi làm về mệt không còn sức, sợ ảnh hưởng việc học, sợ phiền người này người kia. Và càng nghĩ đến những nỗi sợ kia thì tôi càng nhượng bộ với ý muốn ban đầu, và dần dần tôi không còn muốn làm việc đó nữa. Như vậy có sai lầm không? Ai đó đã nói, 20 năm nữa bạn sẽ hối tiếc vì những gì mình chưa làm chứ không phải những gì bạn đã làm.

Sau khi đọc Steve Pavlina và nhìn xung quanh thì tôi biết tôi không có thời gian dành cho sự sợ hãi. Thế nên tôi rất ít khi nghĩ lùi, hay suy nghĩ tiêu cực. Giả dụ như khi thi level 2 CFA, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tôi sẽ thi trượt, tôi tin mình sẽ đỗ. Nếu nói là không bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi hoặc stressed vì kì thi thì quả là nói dối, nhưng những lúc đó tôi cố gắng chế ngự nỗi sợ hãi đó bằng những suy nghĩ tích cực hơn như việc thi đỗ rồi tôi có nhiều thời gian enjoy bản thân hoặc với bạn bè hơn.

Nói về văn hóa sợ hãi, có lẽ người Việt Nam giàu văn hóa sợ hãi hơn ai hết. Tại sao? Lịch sử Việt Nam gắn lền với những cuộc chiến. Chiến tranh = bất ổn, loạn lạc, đau khổ, hi sinh. Chính vì thế người Việt mong muốn hòa bình hơn tất thảy. Và khi có được hòa bình rồi, họ sợ phải đánh mất nó, họ trân trọng nó. Vì vậy họ không bao giờ muốn sa vào vũng lày lịch sử kia nữa. Họ sống trong sợ hãi ngày qua ngày, đến một ngày nó trở thành văn hóa.

Khi họ sợ hãi, đồng thời họ cũng mất niềm tin. Vào những điều to lớn. Và vào cả những điều nhỏ nhoi như bản thân họ. 

Có lẽ mọi người sẽ nghĩ tôi hơi lạc đề giữa 2 nỗi sợ hãi khác nhau. Một bên là nỗi sợ hãi với những kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy và một bên là nỗi sợ hãi với chính bản thân mình. Tôi không đề cập đến những vấn đề cao siêu gì ở đây vì quan điểm của tôi là cuộc sống có luật nhân quả. Dù với nỗi sợ nào, tôi chỉ hi vọng người Việt Nam có thể từ bỏ được văn hóa sợ hãi để sống tốt, có ý thức hơn và mang lại năng suất lao động cao hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét