Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Đâu rồi những tác giả Việt Nam?

Tôi là người yêu sách, và tôi rất thích đọc sách, tuy không phải là một con mọt sách. Mặc dù thời gian không cho phép tôi được cầm sách lâu, nhưng hầu như ngày nào trước khi đi ngủ tôi cũng phải đọc vài trang sách thì mới nhắm mắt ngủ ngon. Tôi luôn nghĩ, nếu mỗi ngày chỉ dành 10-15' đọc khoảng mươi trang sách, trung bình một tháng tôi sẽ đọc được một quyển sách khoảng 300 trang, 1 năm 12 quyển. Nhưng thường tôi sẽ lên list sách trước cho một năm khoảng 15-20 cuốn, phần để ép bản thân mình đọc nhiều hơn, phần để theo kịp với thời đại. Ngày nào không đọc sách, tôi cảm thấy mình bứt rứt, khó chịu. Và phải nói sách trong bài này là sách thuần túy. Không phải báo, tạp chí, sách giáo khoa, hay các bài nghiên cứu khoa học.

Nếu nói về sách văn học thì tôi đọc đủ mọi thể loại. Từ Trung Quốc, Nhật, Pháp, Anh đến Mỹ. Cổ đại đến hiện đại đều có. Văn Việt Nam tôi phải thú nhận là tôi đọc không nhiều. Truyện Kiều, Nhật kí trong tù, Dế mèn phiêu lưu ký, Tuổi thơ dữ dội, Kính vạn hoa... một vài quyển cơ bản. Văn Việt hiện đại thì tôi có đảo qua Nguyễn Nhật Ánh, Dương Bình Nguyên, Phan Anh. Có lẽ khi còn nhỏ, tôi hay đọc truyện Việt Nam hơn, tôi chủ yếu tiếp xúc với văn học Việt Nam qua chương trình học phổ thông, đôi lúc mua thêm sách ở ngoài để đọc cả tác phẩm, giúp hiểu rõ trích đoạn trong sách giáo khoa. Tôi không lý giải nổi tại sao lại thế. Không phải bởi tôi sính ngoại nên đọc văn ngoại nhiều hơn, tôi là một người sống bằng cảm tính, tôi chỉ đọc những sách mình thích, hoặc một vài quyển sách hay được bạn giới thiệu. Năm học lớp bốn, tôi có người bà con đem tặng quyển "Ba ngày luân lạc" do nhà văn Lê Văn Trương viết. Bà là con gái của nhà văn, và lời đề tặng của sách là chúc tôi ngoan hơn. Tôi yêu quyển sách đó lắm và quí nó như báu vật. Bố mẹ tôi nói bà bảo "Đọc xong quyển sách đó đứa trẻ nào hư cũng thành ngoan!" và tôi có ấn tượng như thế thật sau khi kết thúc Ba ngày luân lạc. Rồi tôi dần lớn lên, đọc hết Tuổi thơ dữ dội, Những tấm lòng cao cả, Tôttôchan Cô bé ngồi bên cửa sổ, Không gia đình... nhưng hiếm có quyển sách nào để lại ấn tượng cho tôi như Ba ngày luân lạc. Có ai đó đã nói "Reading a book is like rewriting it yourself". Có thể vì tôi giống với Đức trong Ba ngày luân lạc quá nên cảm thấy quyển sách đó hay nhất với mình. Ừ, có thể lắm.

Tôi không biết mình bắt đầu đọc văn học thế giới khi nào. Nếu lần giở lại thì lúc còn đi học tôi chỉ nhớ mỗi hình ảnh "chiếc lá cuối cùng" của O. Henry. Tôi là người hoài cổ nhưng ít đọc các tác phẩm cổ đại. Văn học Trung Quốc tôi đọc duy nhất Tam quốc diễn nghĩa và AQ Chính truyện. Văn học Nhật thì không. Anh thì nhiều hơn, Kiêu hãnh và định kiến, Women in love, Wuthering Heights, David Copperfield, Hai số phận (sách nào viết bằng tiếng Anh nghĩa là tôi đọc bằng bản tiếng Anh). Pháp thì cũng có một số Thằng gù nhà thờ Đức bà, Bá tước Monte Cristo, Ba chàng lính ngự lâm. Ba Lan: Con hủi. Nga một vài "Chiến tranh và hòa bình" (đọc dở rồi bỏ), Thép đã tôi thế đấy... Tôi đọc những quyển sách trên những năm tôi học cấp 2 và 3. Một vài quyển khác nhưng không nhớ nữa. Nói chung tôi cảm giác mình là một người đọc để quên.

Quyển sách học làm người đầu tiên của tôi là một quyển sách bé tí như kiểu sổ tay, của ai tôi không rõ. Sách viết về các phương pháp và bí quyết để học tốt. Từ việc có một góc học tập gọn gàng, thoải mái, đến việc sắp xếp thời khóa biểu, hay chuẩn bị cho kì thi thế nào. Tôi đọc đi đọc lại quyển sách này cho đến khi cái bìa của nó nhăn nheo (điều hiếm có đối với sách của tôi). Từ đó tôi biết mình thích mấy quyển sách kiểu motivation, inspiration etc.

Phải nói tôi ít đọc sách sử, địa lý. Tôi nghĩ những cái đó đã ghi thành sách rồi thì không việc gì phải nhớ mệt đầu, chỉ cần biết thôi. Sau này khi đi học ở HV QHQT, nhiều khi tôi vẫn bị điểm kém những môn như Lịch sử Quan hệ quốc tế (thi vấn đáp), hay Lịch sử Đảng. Bố vẫn dạy tôi, "nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ nã đại bác vào bạn" để nhắc nhở tôi luôn phải trân trọng lịch sử và coi đó là những bài học cho bản thân. Còn địa lý thì tôi dốt không để đâu cho hết, mới đây tôi  mới biết Thanh Hóa là miền Trung =) Tuy thế tôi nhìn bản đồ rất giỏi, và sẽ cố gắng học hỏi thêm.

Sở dĩ có cái entry này ra đời cũng vì một phần, bạn thấy đó, tôi thích đọc sách và hay ngó nghiêng xem có quyển nào hay, quyển nào dở để mua và đọc. Mới đây khi vào vinabook.com thì tôi phát hoảng khi bấm vào danh sách sách bán chạy thì tôi thấy toàn sách dịch, chỉ 1 vài cuốn là sách của các tác giả Việt Nam. Có lẽ tôi sẽ không phải suy nghĩ nhiều lắm đâu, vì bình thường tôi hay đọc bản gốc hơn là bản dịch. Da Vinci Code ư? Bản gốc hơi khó hiểu hơn chút, nhưng sau khi kết thúc cả quyển sách tôi sẽ biết ý nghĩa của cụm từ đó, của đoạn đó hơn là chuyển thể qua tiếng Việt và tôi lờ mờ đoán được giọng văn, cách dùng từ cũng như ý nghĩa của từng chữ trong truyện. Dịch truyện khó lắm chứ bạn tưởng à. Chỉ có những truyện của tác giả Nhật (Haruki Murakami), Trung Quốc, Pháp này nọ do không biết tiếng thì tôi mới đọc bằng bản dịch thôi. Nhưng như thế không có nghĩa là tôi không quan tâm văn học Việt hay sách Việt. Thật sự chúng tôi đói khát cái thứ gọi là văn hóa Việt lắm. Tôi không muốn đọc sách trước năm 75, vì tôi là một kiểu người đa sầu đa cảm và mỗi khi nghĩ đến, giả sử cảnh lão Hạc bán con chó của mình đi, tôi có thể buồn đến mấy ngày sau mất. Tôi muốn cái gì đó tươi vui, động viên, đúng thời đại này một chút. Có lẽ mọi người sẽ bảo tôi, thời nay mấy ai sống nhờ vào được việc viết sách, buôn sách? Lạm phát 2 con số, tiền lương thì vài cọc vài đồng, cái gì cũng đắt đỏ, chỉ có "dịch sách" là nhanh - gọn - nhẹ - dễ xơi nhất thôi. Ừ thế đấy, thôi thì chẳng dám đòi hỏi gì nhiều. Chỉ dám chờ cho đến khi cơn bão "sách dịch" này qua đi... " Nhưng biết bao giờ cho đến tháng Mười?"

P.S. À sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư. Tôi chưa đọc văn của chị, chỉ một vài truyện ngắn trên trang của bác THD. Bác D. có dặn hãy mua sách ủng hộ chị Tư nên tôi sẽ mua, trước tiên là Cánh đồng bất tận để đọc. Dù mọi người có bảo là truyện của chị bế tắc và ngạt thở lắm. Nhưng tôi sẽ thử. Có vẻ nó không tươi vui, nhưng "đúng với thời đại"?

Update (19/03/2011).  Đọc bài này trên trang của bác THD. Rất hay và chính xác.

Update (26/03/2011).  Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn: "Văn học Việt Nam đang phải trả giá". Một bài nhận xét rất chính xác và sâu sắc về hiện thực văn học Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét